NGÀY THỨ SÁU ĐEN TỐI ĐỐI VỚI LIÊN MINH CHÂU ÂU EU

Như vậy việc Anh rời khỏi EU đã được quyết định với tỷ lệ đồng ý và không đồng ý khá sít sao. Ngay ở Anh tỷ lệ cũng chênh nhau giữa các vùng miền, thí dụ ở Scottland 62% người dân muốn ở lại EU trong khi chỉ 38% đồng ý chia tay. Dự đoán có thể một số vùng của LH Vương quốc Anh và Bắc Ai-len cũng xới lại yêu cầu độc lập và tách ra khỏi UK. Người này thì cho sự kiện 23/6 đánh dấu  kết quả giành lại „độc lập“ và „quyền tự quyết“ của Anh „từ tay Brüssel“, người thì cho đây là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mới ở xứ sở sương mù, đi ngược lại trào lưu hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

http://www.n-tv.de/politik/Cameron-kuendigt-Ruecktritt-an-article18031671.html

Chaos in London: Premierminister Cameron tritt zurück

Merkel ruft Partei-Chefs zu Krisen-Sitzung in den Bundestag

Phản ứng của chính giới Đức gói gọn trong hai từ „sốc“ và „xấu“. Sốc vì ngay trước khi đóng thùng phiếu mọi dự đoán đều cho rằng Anh sẽ ở lại EU dù tỷ lệ có mong manh. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmund Gabriel viết trên Twitter „đây là ngày xấu đối với châu Âu“; Ngoại trưởng Đức Steinmeier  cho đó là những tin tức đáng lo ngại. Ngoại trưởng Pháp cho sự kiện này quá buồn đối với châu Âu.

Thị trường tài chính Đức phản ứng tức thì với việc đồng euro tụt giá 4%, chỉ còn 1,0914 so với 1USD; đồng bảng Anh mất giá 10%, chỉ còn 1,3304 USD. Đây cũng là mức mất giá kỷ lục từ 40 năm nay. Nhiều người làm việc trong các ngân hàng hay tổ chức tài chính, tiền tệ ở London lo ngại mất việc và chuyển đi nơi khác. Tổ chức giám sát tài chính châu Âu EBA dự tính sẽ rời London.

Về kinh tế :  Hiện ở Anh có 400.000 lao động Anh làm việc cho các cơ sở doanh nghiệp Đức, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực : sản xuất ô tô, năng lượng, viễn thông, sản xuất đồ điện tử, cán và chế biến thép, bán lẻ và dịch vụ tài chính.

Về thương mại, năm 2015 ngành chế tạo máy xuất khẩu sang Anh 7,2 tỷ euro (sau Mỹ 16,8, Trung Quốc 16 và Pháp 9,8 tỷ euro). Đối với ngành sản xuất ô tô thì riêng Hãng BMW năm 2015 đã xuất sang Anh 236.000 ô tô; Anh là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ, chiếm 10% tổng sản phẩm của hãng này. Ngoài ô tô xuất khẩu từ Đức, BMW còn sản xuất tại Anh mỗi năm 200.000 xe nhãn MINI và Rolls-Royce Limusine; 24.000 lao động Anh đang làm cho ngành sản xuất ô tô Đức. Riêng Tập đoàn năng lượng RWE của Đức cũng đã có 9000 lao động ở Anh.

Với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 90 tỷ euro, Đức xuất khẩu nhiều sang Anh nhất kể từ trước đến nay (chỉ đứng sau Mỹ và Pháp), tăng 13%, góp phần vào ổn định tăng trưởng kinh tế của Đức thời gian qua. Nếu tính cả xuất khẩu dịch vụ thì kim ngạch xuất khẩu của Đức là 120 tỷ euro.

Theo đánh giá của Ngân hàng DZ ở Frankfurt thì trong trường hợp xấu nhất kinh tế Đức sẽ mất đến 45 tỷ euro cho đến cuối năm tới. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Đức. Năm nay dự đoán tăng trưởng 1,8% thì có thể chỉ đạt 1,4% và năm tới dự đoán 1,7% thì chỉ còn 0,5%.

Trường hợp thương mại Đức- Anh bị tác động tiêu cực thì khoảng 750.000 việc làm ở Đức cũng sẽ bị đe dọa, đặc biệt trong những lĩnh vực sản xuất và cung ứng dịch vụ sang Anh. Ngoài ra 200.000 người lao động Đức làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư của Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng từ việc Anh ra khỏi EU.

Hệ quả tiêu cực của Brexit đối với EU nói chung và Đức nói riêng có thể dự đoán trước được, nhưng chắc chắn nó sẽ nghiêm trọng hơn nhiều trong thời gian tới.

Ai chịu trách nhiệm cho việc này ?  Ông Brok, một chính trị gia của Đảng CDU cho rằng Thủ tướng David Cameron mười năm qua liên tục rót vào tai người dân Anh những điều tiếng xấu về EU thì không thể nào trong 6 tuần mà thuyết phục được cử tri Anh về sự cần thiết phải ở lại EU. Đối với nước Anh, thời gian tới sẽ là thời kỳ  cực kỳ khó khăn, nhưng cũng có thể là sự khởi đầu mới. Còn đối với EU với 27 nước còn lại? Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäube cho rằng EU phải hiểu thông điệp của cử tri Anh để mà thay đổi, điều chỉnh. EU không thể tồn tại như nó vốn tồn tại cho đến ngày 23/6 vừa qua.

Một ngày xấu đối với EU ! Sau Brexit người ta lo ngại EXIT của những nước khác như Hà Lan, Đan Mạch, Séc, Hungari, Ba Lan, các nước Ban-tích và thậm chí cả Pháp vì các lực lượng cực hữu, mị dân ở những nước này đã dấy lên phong trào tẩy chay và rời khỏi EU.

Liệu EU có tan vỡ là câu hỏi lớn mà các nhà lãnh đạo EU sẽ phải bàn tới trong cuộc họp khẩn cấp được triệu tập cuối tuần này ở Brüssel./.

Leave a comment