TỪ BODGAYA QUA HÀ NỘI ĐẾN BERLIN

Lần đầu gặp Thầy nơi đất Phật

Lần đầu tôi có cơ duyên được gặp Thầy Huyền Diệu là vào tháng 10 năm 2013. Dù nghe về Thầy với „kỳ tích hai tay gây dựng cơ đồ“ với hai ngôi chùa Việt uy nghi nơi Đức Phật đản sinh ở Lumbini (Nepal) và nơi Ngài đắc đạo dưới cội bồ đề thiêng ở Bodgaya (Bồ đề đạo tràng) ở Ấn độ, nhưng tôi cũng nghĩ chắc ít có cơ hội được diện kiến Thầy. Cũng may lần đó đi công tác ở Ấn độ nên tôi cũng  tranh thủ ghé qua thị trấn Bodgaya bang Bihar để chiêm bái đất Phật và thăm ngôi chùa Việt của Thầy ở đó. Từ Delhi bay đến đó cũng bằng từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh hay từ Berlin đi Frankfurt, nhưng dĩ nhiên không được tiện nghi „comfortable“  như ở Việt Nam hay bên Đức. Sân bay Bodgaya hình như chỉ dành cho những phật tử hành hương từ châu Á, nhất là từ Thái Lan và Việt Nam. Nó nhỏ và thiếu tiện nghi như sân bay Nội bài những năm 80 thế kỷ trước. Nhưng tôi cũng „may“ hơn mấy anh em trong đoàn vì họ đi chọn đi bằng tầu hỏa. Mà đi tầu hỏa ở đất nước đông dân thứ nhì thế giới này là cả một trải nghiệm đáng nhớ. Nghe anh em kể mà tôi cũng muốn toát mồ hôi hột.

Khí hậu ở Bodgaya cũng giống ở ta, nóng hầm hập và không khí ẩm ướt nhớp nháp dù lúc đó đã cuối thu. Đón tôi ở sân bay là một cái „taxi“ mui trần mà anh em thuê giúp. Đoạn đường về chùa không dài nhưng lồng lộng gió và nắng, và …bụi tha hồ ùa vào xe không kính „vì xe không có kính“. Tôi cứ ám ảnh cái cảm giác quay trở lại cảnh nông thôn Việt Nam nửa thế kỷ trước. Không, có lẽ tệ hơn nữa, vì những ngôi nhà ọp ẹp thưng bằng đất tối om om hai bên vệ đường. Người và gia súc, gia cầm chung sống hòa bình trong cái nóng ẩm hầm hập ngộp cả người. Sau này tìm hiểu thêm mới biết ở Ấn độ thế giới giầu-nghèo là khoảng cách giữa đất và trời chứ không như hình dung của những người chưa từng đến đây. Cứ hình dung như thế này, hơn 600 triệu người dân Ấn độ sống dưới mức nghèo khổ trong khi Ấn độ cũng là nước có nhiều tỷ phú, triệu phú đô la; 2/3 dân số trong 1,3 tỷ người không hề có điện, nước sạch sinh hoạt; phân biệt giữa giai tầng xã hội cực kỳ lớn và vẫn còn tồn tại trong thế kỷ XXI này dù Ấn độ luôn được coi là „Nền dân chủ lớn nhất thế giới“. Dù có „tây học“ đến mấy nhiều lúc tôi cũng vẫn không hiểu hết được cái cao siêu của tư duy „dân chủ phương Tây“. Ấn độ cũng giống như một số nước theo Hồi giáo hay Hin-đu giáo ở Nam Á trong lịch sử có khá nhiều lãnh đạo nữ, từ Tổng thống đến Thủ tướng. Ấn độ nổi tiếng nhất có gia đình Ghandi với nữ Thủ tướng huyền thoại Indira Ghandi (sau này bị ám sát) và hiện là cô con dâu của bà, bà Sonja Ghandi tuy không làm Thủ tướng Ấn độ nhưng với tư cách là Chủ tịch đảng Quốc đại vẫn „buông rèm nhiếp chính“. Thế nhưng chớ trêu thay, phụ nữ Ấn độ lại không bao giờ được coi là bình đẳng với nam giới. Phụ nữ xuất thân từ tầng lớp „hạ dân“, „bần tiện“ còn không được coi là con người mà chỉ là người ăn, người ở, người phục vụ tình dục cho cánh đàn ông. Thế nên ở Ấn độ tỷ lệ phụ nữ bị hiếp dâm thuộc hàng cao nhất thế giới. Ấn độ hiện có chỉ số tăng trưởng kinh tế cao nhất ở Châu Á, trên cả Trung Quốc và Việt Nam nhưng nửa tỷ người vẫn hì hụp tắm giặt dọc sông Hằng. Rồi hỏa thiêu người chết, rửa rau vo gạo nấu nướng cũng từ nguồn nước sông Hằng đặc quánh, ô nhiễm đó. Nhiều lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng có lẽ cách đây hơn 2600 năm, lần đầu tiên ra khỏi kinh thành Xá Vệ, Thái tử Tất- Đạt- Đa (sau này đắc đạo thành Phật tổ Thích Ca- Mâu ni) cũng nhìn thấy cái cảnh mà hôm nay vẫn còn đang hiện hữu.

(Sân bay thị trấn Gaya và chuyến bay từ New Delhi đến Đất Phật)

Việt Nam Phật Quốc tự (sau này Thầy Huyền Diệu) thêm chữ An thành An Việt Nam Phật Quốc tự đón tôi trong khung cảnh như ở quê nhà. Anh bảo vệ người Ấn ra mở cổng đưa tôi vào khuôn viên xanh rợp bóng cây của chùa và tôi cố hít vào lồng ngực cái man mát thanh tịnh rất đặc trưng ở mái chùa Việt. Khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, trong đó có nhiều cây thuốc Thầy mang từ trong nước sang. Những luống rau xanh tự canh tác của Thầy đủ cho phật tử đến đây „ăn mày cửa Phật“ nhiều ngày, nhiều tháng. Xuyên qua những luống rau, những cây thuốc trong vườn chùa, tôi được đưa đến khu nhà khách của chùa. Khá khang trang, na ná những ngôi nhà ở Việt Nam với hai tầng quét vôi vàng. Mỗi tầng cũng có đến mươi phòng cho vài chục người. Có phòng hai giường nhưng cũng có phòng bốn giường. Cửa Phật từ bi luôn rộng mở đón khách thập phương. Phật tử Việt Nam từ trong nước sang chắc sẽ ấm lòng khi được ở tại chùa Việt, sáng sáng nghe thánh thót tiếng chuông thỉnh khoan nhặt và tiếng tụng kinh gõ mõ khi gần khi xa. Thế thôi là đủ. Không cần sang trọng, tiện nghi làm gì khi đã tìm đến cửa Phật. Đấy là sau này khi đã về tôi ngẫm lại. Chứ lúc đó cũng hơi nản lòng vì mình đã quen với „tiện nghi vật chất“ mất rồi. Giường đệm cứng đau lưng, quạt trần kẽo kẹt không đủ xua đi cái nóng ẩm hầm hập, đèn thì khi tỏ khi mờ do điện đóm phập phù, có khi mất hẳn phải dùng máy nổ. Nóng không chịu được thì bỏ hẳn màn, mở cửa sổ cho thoáng. Cũng may khi thiết kế Thầy làm lưới chống muỗi chứ không có lẽ muỗi khiêng đi mất vì muỗi ở đây „đông hơn quân Nguyên“. Tôi không dám nằm xuống đất chứ anh em trẻ hơn thì lăn ngay xuống sàn nhà được lau sạch ngủ tít mít sáng hôm sau  quên cả dậy để lên chính điện thỉnh chuông đảnh lễ.

Hai ngày lưu lại chùa chúng tôi có may mắn được Thầy Huyền Diệu hướng dẫn lạy „Diệu pháp Liên hoa kinh“  (mỗi chữ mỗi lạy), được dùng cơm chay với Thầy và được Thầy trực tiếp làm „hướng dẫn viên“ đi thăm Chánh điện và các cơ ngơi vẫn còn chưa hoàn thiện, nghe Thầy kể về quá trình xây dựng và bảo vệ Chùa. Thật không thể tin được và nếu không nghe Thầy trực tiếp kể tôi cũng không thể hình dung ra những gian nan, vất vả của Thầy khi đến đây tìm đất, xây chùa nửa thế kỷ trước. Mà đến khi chúng tôi qua, ngôi chùa vẫn còn chưa xong hẳn, vẫn ngổn ngang gạch vữa. Buổi tối hôm đó chúng tôi được dẫn lên gặp Thầy còn phải đi qua công trường với những cầu thang mới đổ bê tông chưa có lan can đỡ. Điều đặc biệt nhất của chùa là đâu đâu cũng có thể nhìn thấy hình dáng Tổ quốc Việt Nam với cái dáng cong cong quen thuộc được Thầy đắp nổi lên tường. Thầy nói đấy là để Thầy tri ân với Tổ quốc nơi Thầy được sinh ra và dường như „đạo tri ân“ được Thầy nhắc đến trong mọi câu chuyện. Con người ta sống là phải biết tri ân, biết ơn tổ tiên, đấng sinh thành,  những người đã giúp đỡ mình. Thầy xa đất nước cũng hơn nửa thế kỷ rồi, có nghĩa là chỉ sống những ngày tuổi trẻ ở trong nước. Vậy là mỗi khi nói đến quê hương những tưởng như mới hôm qua, hôm kia. Thầy nói Thầy tri ân đất nước, tổ tiên, tri ân cha mẹ đã cho ta thân xác này, nuôi ta bằng hạt cơm, miếng nước để ta lớn khôn. Thầy cũng tri ân người thầy đầu tiên đã đưa thầy đến con đường tu tập để Thầy luôn được an lạc cho đến tận ngày nay. Tổ quốc Việt Nam dường như với Thầy rất thiêng liêng nên trong câu tụng niệm của Thầy không chỉ „Chư Phật, Bồ tát“ mà luôn luôn có „hồn thiêng sông núi“. Trên Chánh điện bên ngoài thờ Phật bên trong Thầy thờ các „vị liệt tổ, liệt tông, từ Vua Hùng dựng nước đến nước Việt Nam ngày nay“. Cúi đầu trước „Bàn thờ Tổ quốc“ ở tận Ấn Độ xa xôi tôi cứ lan man tự hỏi không biết có ngôi chùa nào ở trong nước hay ở nước ngoài có bàn thờ đặc biệt như ở đây hay không.

Rồi thấm thoắt hai ngày lưu lại An Việt Nam Phật quốc tự cũng qua đi khá nhanh. Chúng tôi lại ra sân bay qua New Delhi về nước. Tiễn ra cổng chùa Thầy hẹn khi nào có điều kiện lại được đón anh chị và gia đình sang chiêm bái đất Phật. „Sang để hấp thụ linh khí về phục vụ Tổ quốc“ Thầy còn nhắc đi nhắc lại khi taxi „không có kính“ đã rời cổng chùa băng qua những cánh đồng hoang sơ như ở Việt Nam cái thời xa lắc xa lơ.

Tri ân Thầy ở Hà Nội… „và vũ khí TT“

Về lại Hà Nội, nghe kể về chuyến đi đến đất Phật, người thì suýt soa nói tôi có phước, người thì tiếc hùi hụi vì thiếu chút „cơ duyên“ mà lỡ chuyến đi có một không hai. Ai cũng ước mong một lần được gặp Thầy và được một lần chiêm bái Thánh địa Bồ đề Đạo tràng.

Rồi cơ duyên cũng đến. Ấy là vào dịp tháng mười 2014 Thầy lại có chuyến về quê hương để leo lên đỉnh Fan-xi-păng nơi hội tụ khí thiêng sông núi, như Thầy nói. Nhận được điện thoại của Thầy tôi vội đến khách sạn gặp Thầy và nghe Thầy nói về những dự định của Thầy, những dự định mà theo suy nghĩ của tôi vượt quá xa „tầm“ của một nhà tu hành bình thường. Thầy nói về những bất ổn khắp nơi trên trái đất, với bạo lực, chiến tranh, chết chóc. Với kinh nghiệp xưa đã góp phần hòa giải các phe phái chống đối và đi đến hòa bình ở Nepal, Thầy muốn góp thêm tiếng nói cho hòa bình thế giới và vì vậy Thầy hỏi ý kiến của cá nhân tôi. Dù làm ngoại giao chuyên nghiệp đã mấy chục năm nhưng thực sự đây là yêu cầu khó không chỉ với riêng tôi, không hiểu có giúp gì được cho Thầy. Thầy chuyển cho tôi bản dự thảo cuốn sách Thầy mới viết với tựa đề „Vũ khí TT“ và Thầy nói sẽ cho dịch ra tiếng Anh phổ biến rộng rãi.

Là nhà tu hành tại sao lại bàn đến vũ khí? Chắc nhiều người cũng nghĩ giống như tôi lúc đó. Và vũ khí TT là vũ khí gì mà Thầy nói đó là vũ khí của Việt Nam ta, rất linh nghiệm và Thầy cũng đã áp dụng thành công ở nhiều nơi. Hóa ra nó không phức tạp như ta nghĩ. Vũ khí TT của Thầy Huyền Diệu là „Vũ khí tình thương“. Nó cũng chính là „vũ khí từ bi“ của Đạo Phật vậy. Phật dạy chúng ta phải yêu thương nhau và dùng tình thương cảm hóa con người và muôn loài chúng sinh. Mọi sự sướng khổ, thiện, ác đều từ cái tâm mà ra. Tâm thiện thì làm việc thiện. Tâm ác thì làm việc ác. Cái khổ bên ngoài nhiều khi không bằng cái khổ từ tâm mà ra. Trong thế giới hiện tại, bạo lực sẽ sinh ra bạo lực. Lấy bạo lực đối chọi với bạo lực thì bạo lực càng gia tăng. Trong suốt thời gian xây chùa cho đến tận ngày nay Thầy gặp bao nhiêu chông gai, bao lời xằng bậy vu oan giá họa. Trong những hoàn cảnh như vậy Thầy không „đôi co, cãi cọ, hay thanh minh, thanh nga“ gì với những người này, mà lấy lòng từ bi ra đối đãi để rồi họ tự hiểu ra. Bởi vì Thầy nói có ba thứ mà không sợ bị che lấp, đó là Mặt trời, Mặt trăng và Sự thật.  Cũng vì lòng từ bi phi bạo lực đó nên trước binh đao khói lửa của cuộc nội chiến dai dẳng ở Nepal Thầy không đành lòng. Để tri ân đất nước đã cho Thầy cơ hội cất ngôi chùa  Việt tại Lumbini, nơi Đức Phật giáng trần, Thầy đã vào rừng thuyết phục phe kháng chiến ra hòa giải với phe chính phủ và hòa bình, an lạc đã được vãn hồi ở đất nước của Phật Tổ. Từ việc cất ngôi chùa Việt đầu tiên ở Lumbini, Thầy cũng đã làm sống lại mảnh đất thiêng bị lãng quên này và mang đến sự thịnh vượng của người dân nơi đây. Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lumbini đã vinh danh Thầy làm Chủ tịch và Chính phủ Nepal cũng kiến nghị đưa Thầy vào danh sách đề cử Giải thưởng Nobel hòa bình.

Ở khu vực Trung Đông còn xung đột Palestin- Israel chưa biết bao giờ kết thúc. Tôi cũng sắp xếp để Thầy gặp và nói chuyện với Đại sứ Palestin ở Hà Nội để hỏi thêm thông tin và cũng muốn làm như vậy với bà Đại sứ Israel nhưng thời gian ở Hà Nội ngắn quá không có điều kiện. Tôi cứ ước mong, giá như Thầy làm được điều đó thì còn gì tuyệt vời hơn nữa vì một người Việt giúp kết nối hai cựu thù. Một thầy tu Phật giáo cũng có thể kết hợp với Hồi giáo và Do thái giáo mang lại hòa bình, an lạc cho triệu triệu con người.

Thầy cũng có buổi đến cơ quan tôi nói chuyện về chủ đề „Khi mặt trời lên và Thành công, Hạnh phúc rực sáng trong tầm tay“ (đây cũng là tên hai cuốn sách của Thầy). Và người đến dự không chỉ là cán bộ nhân viên cơ quan, mà còn nhiều bà con anh chị em khác cũng ngưỡng mộ Thầy.

Và điều kỳ diệu tình cờ là hôm Thầy đến nói chuyện cũng là ngày 13/10, đúng một năm sau khi tôi được gặp Thầy ở Bodgaya. Khi nhắc đến sự tình cờ lý thú này Thầy và mọi người đều ngạc nhiên vô cùng, cho đó là „cơ duyên“ hiếm có.

Sau này, tháng 7 năm 2015 Thầy giới thiệu bản dịch cuốn sách „Vũ khí TT“ (TT- Weapons) tại Liên Hợp quốc ở Geneve (Thụy sĩ).

Nhiều lần lỡ hẹn tại Lumbini

Lâm-Tỳ-Ni (Lumbini) là thánh địa quan trọng của Phật giáo. Vốn ngày xưa thuộc nước Ấn độ cổ, Lumbini là nơi Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra trong nhung lụa, ngọc ngà châu báu. Cuộc sống cứ như thế trôi qua và Thái tử Tất Đạt Đa cũng có vợ và con trai nối dõi vương quyền, nếu như không có một ngày ngài trốn Vua cha và vợ con, một mình một ngựa lặng lẽ rời thành Xá Vệ. Cuộc „thám hiểm“ này hóa ra lại thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và cuộc sống của Thái tử. Vốn quen với cuộc sống trong cung đình Thái tử không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống đau khổ của tầng lớp „tiện dân“ bên ngoài thành Xá Vệ, với đủ „hỉ, nộ, ái, ố“, chứng kiến cảnh khổ từ „sinh, lão, bệnh, tử“ làm Thái tử Tất Đạt Đa thay đổi hoàn toàn. Từ đó sau khi quay trở về thành, ngài luôn suy nghĩ làm thế nào để cứu độ chúng sinh. Quá trình „thay đổi nhận thức“ và đi tu của Phật tổ Thích Ca bắt đầu từ nơi đây. Vì thế nên nơi đây là một trong những địa chỉ quan trọng bậc nhất của mọi  phật tử. Linh thiêng như thế nhưng hàng ngàn năm sau Đức Phật, nơi đây chỉ còn là phế tích. Cột đá mà Vua A-dục dựng lên sau đó mấy trăm năm chỉ rõ nơi đây Đức Phật đản sinh. Và rồi một nhà sư Việt đến và không đành lòng trước cảnh điêu tàn nơi Thánh địa, đã xin đất cất lên ngôi chùa Việt và cũng là ngôi chùa đầu tiên ở đây. Để rồi sau đó hàng chục ngôi chùa của các nước cũng được dựng lên, tạo thành quần thể phật giáo sầm uất. Thánh địa được làm sống lại như thế.

Đầu năm 2015 Thầy mời tôi và anh chị em trong cơ quan sang chiêm bái Thánh địa Lumbini và thăm „An Việt Nam Phật quốc tự“ của Thầy. Kế hoạch được lên là dịp cuối tháng tư, đầu tháng năm. Thủ tục thị thực visa đã xong, vé máy bay đã mua, khách sạn ở Kathmandu, Thủ đô Nepal cũng đã được Thầy đặt giúp. Mọi người ai nấy đều hoan hỉ mong chờ chuyến đi.

Nhưng ai học được chữ ngờ ! Trước hôm chúng tôi lên đường một ngày thì xẩy ra trận động đất kinh hoàng ở Nepal. Nhìn cảnh đổ nát, tang tóc ở Kathmandu chúng tôi ai cũng rùng mình. Giá mà…

Sau đó Thầy có liên hệ qua email nói là Thầy và Chùa ở Lumbini vẫn bình an. Thầy đang cùng đệ tử đi cứu hộ ở những nơi động đất, mua lều lán cho nạn nhân ở tạm. Ảnh thầy gửi về từ Nepal khiến ai cũng cảm động và cảm phục tấm lòng bồ tát từ bi của Thầy với người dân Nepal. Chúng tôi quyên góp được số tiền kha khá để chuyển nhờ Thầy giúp mua lều lán cứu hộ. Cùng lúc đó chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng nhờ chuyển tiền quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất ở Nepal. Và thế là chúng tôi lại quyết định sang trực tiếp bên đó khi thấy tình hình cũng tạm ổn định. Trong khi đang chuẩn bị thủ tục thì ở Nepal lại xẩy ra dư chấn khá nặng, lên đến 7 độ Richter. Chuyến đi lần đó cũng đành dừng lại. Đúng là chưa có „duyên“ với chuyến đi Lumbini

Rồi cuối năm 2015 các anh chị em ở Berlin cũng rất nhiệt tình chuẩn bị sang chiêm bái thánh địa Lumbini, nhưng đến phút cuối tập hợp được ít người quá nên lại hoãn. Đấy là lần thứ ba vẫn chỉ là mong muốn.

„Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ“

Giữa năm 2015 tôi rời Hà Nội, rời nơi đã gắn bó gần ba mươi năm mà anh chị em hay gọi là „Chùa 40 Trần Phú“ do tôi là „trụ trì“ hơn bốn năm qua. Mọi người còn gọi vui và phong cho tôi chức „Phó Thầy“.

Dẫu đã sang đến Đức nhưng năm nào tôi cũng được đón Thầy đến thăm. Lần đầu là năm 2015 Thầy chỉ quá cảnh sân bay Tegel có hơn giờ đồng hồ nhưng cũng vui lòng vào thăm chúng tôi. Buổi nói chuyện của Thầy ở Chùa Phổ Đà Berlin chỉ gói gọn trong một giờ đồng hồ nhưng để lại biết bao ấn tượng về một bậc chân tu, vân du nay đây mai đó nhẹ như lông hồng, nhưng cũng vô cùng gần gũi và giản dị. Buổi hôm đó Thầy cũng giảng  „Kinh đại phúc đức“ (Mahamangala Sutta), giới thiệu và tặng các phật tử cuốn „Thành công, hạnh phúc rực sáng trong tầm tay“ đã được dịch sang tiếng Đức (Erfolg und Glück leuchten in der Hand). Cuốn sách chuyển tải một thông điệp „A Message to Garcia“ của Elbert Hubbard viết năm 1899 gửi các bạn trẻ đang trên con đường tìm kiếm „mật pháp“ cho thành công và hạnh phúc của đời mình. Thầy cho biết, năm mươi năm trước tình cờ khi đang tu tập cùng Thầy Hoàng Nhơn ở núi Thất Sơn (Việt Nam) Thầy được đọc cuốn sách nhỏ này và nó ảnh hưởng lớn tới Thầy. Từ đó nó đã trở thành bạn đồng hành cùng Thầy chia sẻ khó khăn buồn vui trong cả những lúc thành công hay thất bại, giúp Thầy làm được nhiều việc và có được như ngày hôm nay. Thầy mong muốn các bạn trẻ Việt Nam hãy có thêm nhiệt huyết từ „Thông điệp của Garcia“ để thành công trong cuộc sống, giúp cho bản thân, gia đình và xã hội.

Lần thứ hai được đón Thầy là vừa mới giữa tháng 7 năm nay. Lần này tôi muốn Thầy dành riêng một buổi nói chuyện với doanh nhân trong Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức về „Những mật pháp và văn hóa trong kinh doanh“.

Tu hành và Kinh doanh xem ra có vẻ là hai lĩnh vực không có nhiều liên quan vì tu hành là trở về với bản thể, với thế giới tâm linh, là „từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha“, trong khi kinh doanh là bài toán về đầu tư, tính toán lỗ, lãi để làm sao „một vốn bốn lời“ có nhiều lợi nhuận như có thể. Vì thế nên có người nói „thương trường là chiến trường“. Trong kinh doanh nhiều khi phải tìm cách chiến thắng đối phương để tồn tại vì thế nên mới có cạnh tranh, gồm cả cạnh tranh không lành mạnh.

Trong hơn hai giờ đồng hồ, Thầy tâm sự với các doanh nhân về cuộc đời Thầy nơi xa xứ, việc tìm đất cất chùa và bảo vệ „thành quả“ của mình trước những lời nói xấu cũng như âm mưu „cướp chùa“. Trong việc kinh doanh, Thầy khuyên các doanh nhân ghi nhớ và thực hành 5 điều mà Thầy gọi là „mật pháp“.

Thứ nhất, phải có „tầm nhìn“ đúng :  không có tầm nhìn, không có ý tưởng, lý tưởng thì việc kinh doanh sẽ đi vào ngõ cụt. Tầm nhìn phải xa, vượt qua thời gian; không ngại người đời chê cười khi ta có ý tưởng „không giống ai“ vì có khi người ta không hiểu hết được ý tưởng của mình. Thầy lấy ví dụ từ bản thân, cách đây gần nửa thế kỷ Thầy đến Ấn độ tìm đất, cất chùa thì nhiều người nói Thầy „điên rồ“, nhưng thời gian đã chứng minh ý tưởng và lời „khấn nguyện“  của Thầy về một ngôi chùa Việt trên đất Phật là đúng.

Thứ hai, phải có chữ tín trong kinh doanh. Chữ tín là cơ sở của lòng tin và lòng tin đóng vai trò quan trọng không chỉ trong kinh doanh.

Thứ ba, trong kinh doanh phải có chữ tâm. Chữ tâm giúp ta kinh doanh lương thiện, đóng thuế đầy đủ, không phá hoại môi sinh, hủy hoại môi trường sống của con người và muôn loài chúng sinh.

Thứ tư, phải tin nhân quả. Người tin nhân quả là người chỉ làm điều tốt, không làm điều xấu, không hại và lừa dối người khác. Người không tin nhân quả có thể làm mọi điều để hại người khác.

Thứ năm là biết sử dụng đồng tiền cho đúng và trúng. Làm ra tiền và dùng tiền đó để tái đầu tư, sản xuất để ngày càng giầu có hơn, vì có giầu, có tiền mới giúp được người khác. Nhưng cũng phải biết sử dụng để tri ân. Biết tri ân, biết bố thí là „hạnh bồ đề“ và vì vậy phải dành số tiền nhất định để giúp cha mẹ, gia đình, những người nghèo khó cũng như giúp cho quê hương Việt Nam đã sinh ra mình và nước Đức nơi cưu mang mình.

Cảm nhận của mọi người sau buổi nói chuyện của Thầy là thực ra chuyện đời và chuyện đạo cũng gắn bó và gần gũi với nhau. Đạo Phật cũng như những giáo lý của Phật tổ gần gũi, dễ hiểu, là những lời giáo huấn để con người sống tốt đẹp hơn, yêu thương nhau hơn. Những „sứ giả“ nhà Phật như Thầy Huyền Diệu thật thân thiện, vừa uyên thâm giáo lý, vừa rất đời thường chứ không có vẻ gì đó xa lạ và „bí hiểm“ như những nhà tu hành mà ta thường gặp đâu đó trong cuộc đời. Và xa hơn nữa, Thầy còn là người luôn nghĩ đến hòa bình và an lạc cho nhân loại chúng sinh ở những nơi khác trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở Ấn Độ, Nepal hay Việt Nam.

Không hiểu sao cứ mỗi lần nghĩ đến Thầy Huyền Diệu là tôi lại nhớ đến hàng câu đối bằng chữ quốc ngữ đắp nổi ở tam quan Chùa Quán sứ, Hà Nội, ngôi chùa gắn bó với tuổi thơ tôi.

Thầy đúng là người nhà Phật với sứ mệnh cao cả là :

„Hoằng dương Phật pháp  –  Lợi lạc quần sinh“

„Phụng sự Tổ quốc   –    Bảo vệ hòa bình“./. 

Ảnh trên : Buổi nói chuyện của Thầy ngày 22/7 với doanh nhân Việt Nam tại Berlin.

Hai ảnh dưới :  “Hành giả vân du” nay đây mai đó và khi  thiền hành ở  trung tâm Berlin. Chia tay Thầy ở Ga trung tâm Berlin 23/7″016

Leave a comment