TRĂN TRỞ VỚI CỦ KHOAI CỦ SẮN (Bắc cầu cho khoai sắn quê mình)

Hơn ba mươi năm gắn bó với ngoại giao, trong đó gần ba mươi năm chỉ với một công việc duy nhất là lãnh sự ở trong và ngoài nước, tôi cứ nghĩ rồi mình cũng sẽ kết thúc cuộc đời công chức của mình với công việc mà mình đã lựa chọn và yêu thích. Nhưng có những bước ngoặt hay ngả rẽ cuộc đời lại làm cho người ta có thêm những trải nghiệm, những xúc cảm mới và thấy hóa ra cuộc sống vô cùng phong phú.

Bài báo TG&VN

         (Bài đăng trên Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) số đặc biệt chào mừng  Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 tại Hà Nội)

Năm 2015 cả hai vợ chồng tôi đều có những „ngả rẽ“ như vậy sau 30 năm gắn bó với ngành ngoại giao. Vợ tôi thì quay về với chuyên ngành được đào tạo là luật pháp nhưng ở góc độ khác so với hồi còn làm việc ở Bộ. Còn tôi cũng chia tay với công tác lãnh sự đã gắn bó cả cuộc đời để đến với công việc vừa mới nhưng cũng vừa cũ, đó là „dấn thân vào thương trường“ ở một nơi cũng gắn bó như quê hương thứ hai của mình là  nước Đức.

          Hồi mới nhận được lời mời „chuyển ngành“ tôi hoang mang lắm. Một phần vì lưu luyến với nơi đã gắn bó cả cuộc đời công chức, phải từ bỏ công việc mà mình đã yêu quý và gửi bao tâm huyết. Phần nữa tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu từ đâu khi tuổi không còn trẻ và liệu mình có làm tốt được công việc mới hay không. Thêm vào đó không phải không có chút „tự ái“ hay „sĩ diện cá nhân“ khi mình quay trở lại địa bàn cũ với chức vụ thấp hơn hai mươi năm trước cũng tại nơi này. Đối với „tây“ chuyện này bình thường thôi, nhưng với người Việt không hẳn như vậy. Điều an ủi và là nguồn động viên lớn đối với tôi chính là những lời tâm huyết mà các anh chị đi trước ở trong và ngoài Bộ đã chia xẻ, là dù làm việc ở đâu cũng phục vụ đất nước và khi ở bên Đức tôi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để giúp Quê hương, Đất nước. Người đứng đầu ngành công thương khi đó có nói với tôi, vừa là lời tâm sự nhưng cũng như vừa „giao nhiệm vụ“ :  những việc cụ thể như kim ngạch xuất nhập khẩu ra sao, xúc tiến thương mại thế nào đã có các đơn vị chuyên môn trong Bộ và tùy viên thương mại lo; cái mà Bộ cần ở tôi là sử dụng sự hiểu biết về địa bàn và „network“ quan hệ  vốn có để tăng cường tiếp xúc với chính quyền và doanh nghiệp Đức, kéo họ vào Việt Nam, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư từ Đức và cũng là tăng kim ngạch xuất khẩu.  Với những lời tâm huyết như vậy thực sự tôi như được „cởi trói“, tha hồ „thỏa chí tung hoành“ vì tiếp xúc đối ngoại chính là thế mạnh, là „sở trường“ của mỗi cán bộ ngoại giao. Vậy thì ngoại giao hay công thương cũng không khác gì nhau đối với tôi, có khác chăng chỉ là vị trí làm việc. Công việc của tôi vẫn là tìm hiểu tình hình địa bàn với trọng tâm là kinh tế, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp, đến những diễn đàn đầu tư, thăm doanh nghiệp ở các bang để giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức đến Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Đức cũng tìm đến Thương vụ tại Berlin  để hỏi thêm thông tin, tìm lời tư vấn hay đơn thuần chỉ tiếp xúc để có thêm một địa chỉ tin cậy trước khi sang Việt Nam v.v.

          Đến tháng chín này là đúng một năm tôi làm công việc thương mại tại Đức và có thể tự tin nói rằng mình đã học được „nghề mới“. Điều gì rút ra từ một năm  qua? Tôi đã học thêm được những gì từ thực tế đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở trung tâm Châu Âu này ?

          Một là doanh nghiệp Đức đánh giá rất cao sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Điều này nhiều khi ta không nhìn thấy nếu chỉ tiếp xúc chung chung hay có khi lại cho đó là lời „đầu môi chót lưỡi“ của các nhà ngoại giao nước ngoài. Trong tất cả những nơi tôi đến, những doanh nghiệp Đức tôi tiếp xúc, đều được nghe điều này. Thế giới hiện nay ngày càng bất an. Ngay ở châu Âu cũng không hề có sự ổn định như ta nhìn thoáng qua. Đó là những nguy cơ tiềm ẩn từ khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự chuyển dịch quyền lợi từ các thay đổi địa chính trị khu vực, đó là từ Brexit mà bản thân EU cũng chưa lường hết hậu quả tới sẽ như thế nào. Quanh ta, những nước vẫn còn thể chế quân sự cầm quyền hay bất ổn thường xuyên đe dọa bất cứ lúc nào, kể cả những nước cực lớn. Mà khi mang đồng tiền ra nước ngoài làm ăn hay đầu tư, người Đức lại là người cực kỳ thận trọng, có lẽ thận trọng nhất, hay „so đo“ nhất trong những nhà đầu tư. Ta hay nói „uốn lưỡi chín lần trước khi nói“. Còn đối với người Đức chắc cũng phải chín lần nâng lên đặt xuống họ mới quyết định. Vì thế nên các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Đức luôn mong muốn có „sự ủng hộ chính trị“ của nước mà họ đến đầu tư. Hơn ai hết, những nhà ngoại giao Việt Nam cần mang đến cho sự ủng hộ này hoặc chí ít cũng để cho họ có cảm giác Việt Nam hoan nghênh họ đến và hỗ trợ họ khi họ cần. Báo chí Đức vừa qua thường xuyên đưa tin về hành động mà họ gọi là gây „ức chế tâm lý“ của chính quyền một nước gần ta đối với doanh nghiệp Đức kiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc khả năng chuyển sản xuất đi nơi khác.

Đoàn thăm DVSI 31.5.2016

         Thăm Hiệp hội ngành sản xuất đồ chơi của Đức (DVSI)

Thứ hai, một thời kỳ ta nhấn mạnh và đề cao các tập đoàn, công ty lớn, những tập đoàn siêu hay đa quốc gia. Điều đó đúng trong thời kỳ ta mới mở cửa và kêu gọi đầu tư vì những doanh nghiệp này tạo nhiều công ăn việc làm, là cú huých cho xuất khẩu, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội trong nước. Bên cạnh đó việc các doanh nghiệp lớn vào còn có sức hút, sức lôi kéo những doanh nghiệp khác. Mercedes, Bosh, Siemens, Deutsche Bank  và một số tập đoàn khác đã vào ta khá sớm, cũng đã thành công ở Việt Nam. Nhưng thời của các tập đoàn lớn đã qua. Bản thân họ cũng đang phải loay hoay với những khó khăn nội tại, cắt giảm nhân công và sản xuất trong nước nên khó có điều kiện mở rộng ra nước ngoài. Trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chứng tỏ là trụ cột của kinh tế Đức, nhậy bén với công nghệ mới, công nghệ cao, dễ điều chỉnh lại ít bị tác động của các khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế. Lấy thí dụ, ngành sản xuất công nghiệp dụng cụ, máy móc y tế được coi là „hải đăng“ của kinh tế Đức, doanh nghiệp vừa và nhỏ với số lao động dưới 250 người chiếm tới 95% (trong 11.000 doanh nghiệp). Hay trong ngành sản xuất đồ chơi, riêng Hiệp hội ngành hàng này (DVSI) gồm 230 nhà sản xuất, năm 2015 đạt doanh thu 3 tỷ euro, 100% là doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cũng vì đây là những doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân nên tiền đầu tư là của chính họ và do đó họ rất thận trọng trước những dự án đầu tư ra nước ngoài.

          Theo một tài liệu khảo sát mới đây thì gần 60% doanh nghiệp Đức có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Đây là cơ hội để ta thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức. Những doanh nghiệp này hơn ai hết họ cần sự hỗ trợ của ta, từ sự ủng hộ chính trị đến hỗ trợ thủ tục trong nước.

Vi?t Nam d?ng t? ch?c H?i th?o d?u tu ASEAN t?i Ð?c

 

(Tham luận tại Hội thảo đầu tư vào ASEAN tại Frankfurt am Main)

Thứ ba, Trung Quốc đã qua giai đoạn tăng trưởng bằng mọi giá, hủy hoại môi trường và là „công xưởng gia công“ của thế giới. Việt Nam cũng đi vào giai đoạn hiện đại hóa nền kinh tế. Kinh tế Đức đang chuyển dần sang „Nền kinh tế 4.0“ (Wirtschaft 4.0) hay còn gọi là „Kinh tế số“ hay „số hóa nền kinh tế“ mà điều kiện là „tốc độ 2.0“ (Mobilität 2.0). Trước đây khi mới bắt đầu công nghiệp hóa đầu thế kỷ IXX điều kiện phát triển là hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông với hệ thống cao tốc nối hầu hết các thành phố quan trọng. Này nay để phát triển nền kinh tế (hay công nghiệp) dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và người máy thì hạ tầng tin học cực kỳ quan trọng. Đức cũng là nước đi đầu ở châu Âu trong việc đưa người máy vào sản xuất (Adidas) và tiến tới sản xuất cả những mặt hàng vốn cần nhiều sức người như dệt may. Còn trong các nhà máy sản xuất công nghiệp (xe hơi, dụng cụ y tế, máy móc công nghiệp v.v.) tỷ lệ tự động hóa vốn đã khá cao. Đức cũng tự hào là đất nước của những ý tưởng và công nghệ mới. Đó cũng chính là lý do vì sao Trung Quốc có chủ trương thông qua các nguồn tiền của Chính phủ cũng như khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc sang mua đứt, liên doanh, mua cổ phần chi phối các nhà máy sử dụng công nghệ cao của Đức để thông qua đó có được công nghệ cao, công nghệ nguồn phục vụ hiện đại hóa nền kinh tế, còn gọi là chiến lược „Made in China 2025“, thay thế việc sản xuất hàng hóa rẻ tiền, đại trà, gia công, ít sử dụng công nghệ bằng hàng hóa cao cấp, giá trị cao và áp dụng công nghệ mới.

          Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm, chúng ta không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi môi trường. Để có thể làm được điều đó chúng ta phải dám nói không với những lĩnh vực đầu tư, những nhà đầu tư với công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường.Trong bối cảnh đó chúng ta nên chú trọng kêu gọi đầu tư từ Đức trên các lĩnh vực mà họ có thế mạnh về công nghệ cao, như năng lượng sạch, xử lý môi trường, rác thải, công nghệ vi sinh v.v. Điều đáng quan tâm là các nhà đầu tư Đức luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ và đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ môi trường và các điều kiện dân sinh ở những nơi họ đến đầu tư.

Thăm Rowi

(Thăm ROWI, một doanh nghiệp đầu tư của Việt Nam vào Đức)

          Thứ tư quan tâm nhất của doanh nghiệp cũng như các đầu tư Đức ở Việt Nam là : i) Nạn tham nhũng : mặc dù Quốc hội đã có Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định; chúng ta cũng có Ban Chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, nhưng nạn tham nhũng chưa được khống chế triệt để, nhất là ở các cấp làm việc, các địa phương. Một doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến đã vào Việt Nam ba lần để khảo sát và tìm đối tác cuối cùng cũng „đầu hàng“ và đến gặp tôi than „thật quá đáng, chưa làm gì cả mà họ đã đòi ứng trước đến một tỷ VND“ ;  ii) Nền hành chính cần được cải cách hơn nữa, nhất là thủ tục cấp phép đầu tư, lưu thông hàng hóa, nhập trang thiết bị. Tập đoàn liên quốc gia (Đức, Thụy sĩ và Áo) chuyên về sản phẩm vi sinh phục vụ nông nghiệp, thủy sản và môi trường mất hơn ba năm chưa xin được giấy phép lưu hành sản phẩm vi sinh ở Việt Nam, mặc dù sản phẩm này được công nhận và sử dụng không chỉ ở EU mà còn ở những nước như Cu Ba góp phần tăng vọt sản lượng trong ngành mía đường của nước này. Để giúp „gỡ rối“ dần dần tôi đã nhờ Cục Lãnh sự trao đổi với cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuyết phục họ công nhận giá trị của Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất sứ hàng hóa, sau khi giấy này đã được IHK (Phòng thương mại công nghiệp) chứng nhận và Tổng lãnh sự quán tại Frankfurt hợp pháp hóa. Hơn hai năm Bộ này khăng khăng nói là chứng nhận của IHK không có giá trị, mà phải chứng nhận của Bộ Nông nghiệp Đức giống như ở Việt Nam là Bộ NN-PTNT (khổ quá họ chẳng chịu suy nghĩ là thẩm quyền như thế nào là do pháp luật mỗi nước quy định). Giấy này sau đó cũng được công nhận nhưng rồi đến nay thủ tục cấp phép cho lưu hành sản phẩm vẫn chưa được giải quyết. Vừa qua ông Chủ tịch Tập đoàn này gặp tôi ở Nürnberg buồn rầu nói : tôi 63 tuổi rồi, 2 năm nữa về hưu; chẳng hiểu đến lúc đó tôi có được nhìn thấy sản phẩm của tôi được sử dụng ở Việt Nam không. Ông còn nói thêm, sản phẩm của tôi sử dụng ở khắp nơi mang lại hiệu quả tốt đẹp và được công nhận thân thiện môi trường. Sao ở Việt Nam lại khó thế?  iii) sự an toàn pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, tranh chấp kinh tế là nỗi băn khoăn thường trực của doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức. Tại cuộc hội thảo kinh tế do Đại sứ quán tổ chức ngày 22/6, đại diện Bộ Ngoại giao Đức nhắc tế nhị đến vấn đề này. Ông nói „chúng tôi biết, ở đâu có ánh sáng thì ở đó cũng có bóng râm“. „Bóng râm“ mà ông nhắc đến chính là hai bài báo đăng trên Báo Thương mại (Handelsblatt) trong sáu tháng đầu năm nay. Khi tranh chấp xẩy ra, doanh nghiệp Đức tìm đến hệ thống tòa án và tư pháp Việt Nam; trên thực tế vụ kiện cũng được xét xử và bản án cũng được tòa án Việt Nam đưa ra. Nhưng khổ nỗi án tuyên không được thi hành và cuối cùng họ cũng mất hết tài sản và cả niềm tin sau một vài năm kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Một người thậm chí sau này còn ngả hẳn sang chống Việt Nam quyết liệt. Những việc như thế này gây hoang mang ghê gớm cho những người đang có ý định tìm đến Việt Nam.

          Gần đây tôi đi thăm Tập đoàn Landgard ở Chemnitz, một trong số ít cơ sở đầu mối chuyên nhập hoa, rau, củ, quả để cung ứng cho hệ thống siêu thị ở Đức và một số nước châu Âu. Họ nhập chủ yếu từ những „cường quốc“ về nông nghiệp, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan là những nước quanh ta. Nhưng vì có anh nhân viên phụ trách thị trường châu Á là người Việt nên anh này hướng ông tới thị trường Việt Nam.  Từ Việt Nam Landgard có thể nhập ngay xoài, thanh long, vải và khoai lang; sau đó sẽ tính tiếp những mặt hàng khác. Riêng khoai lang ông cho biết, hiện thị trường Đức tiêu thụ chủ yếu khoai từ Mỹ; nghiên cứu cho thấy khoai lang tốt cho sức khỏe hơn là khoai tây và khoai lang Việt Nam có chất lượng hơn khoai Mỹ. Họ lại sẵn sàng liên doanh hay ký hợp đồng bao tiêu  toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, có thể chuyển giao công nghệ bảo quản, vận chuyển từ Việt Nam sang Đức. Nghe câu chuyện tôi nghĩ bụng, cái gì chứ khoai lang thì Việt Nam vốn sẵn, „củ sắn, củ khoai nuôi ta khôn lớn“ mà ! Nước ta lại là nước nông nghiệp chỗ nào chẳng có đất trồng khoai. Nhưng do không xuất khẩu được nên bà con nông dân cũng chỉ mang đến chợ quê bán là cùng, chứ ở Hà Nội cũng chẳng có bán nhiều.

Thăm Landgard

(Thăm Landgard Chemnitz tìm đầu ra cho củ khoai Việt Nam)

http://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-day-xuat-khau-nong-san-sang-duc-20160719210047011.htm

          Nói vậy nhưng không dễ dàng chút nào khi muốn đưa củ sắn củ khoai xuất ngoại. Anh nhân viên người Việt nhiều lần về nước vì muốn thành công thương vụ này. Một phần vì muốn giúp bà con quê nhà, nhưng phần khác cũng vì một lời hứa với Landgard. Có nơi cung cấp được vài đợt thì hết khoai; có khi khoai không bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng của EU, không bảo quản đúng cách nên sang đến nơi hỏng gần hết. Còn tìm nơi để liên doanh xây dựng vùng chuyên canh trồng khoai xuất sang Đức thì địa phương nào cũng thấy hay và hứa lên hứa xuống nhưng cuối cùng vẫn „tủi phận củ khoai“  Việt Nam không lên được kệ tại những siêu thị sáng choang ở Đức.

          Ông Giám đốc Landgard Chemnitz thì tha thiết „mong nhận được ủng hộ chính trị“ từ tôi. Còn anh nhân viên người Việt khắc khoải „anh ơi, anh làm gì thì làm, nhưng cứ sang năm có khoai cho bọn em là được. 6000 tấn một năm cơ đấy“.

          Từng củ khoai lang thì nhỏ, nhưng sáu ngàn tấn năm thì không nhỏ. Có thể giá trị thặng dư mà nó mang lại không nhiều, nhưng biết bao người nông dân vất vả suốt ngày „bán mặt cho đất, bán lưng cho trời“ biết đâu nhờ đưa được củ khoai đi Đức mà cũng được đổi đời.

          Ngả rẻ của tôi từ ngoại giao chính trị, từ công tác lãnh sự sang „bắc cầu“, „mở cửa“ cho doanh nghiệp Đức vào Việt Nam và tìm lối „xuất ngoại“ cho củ khoai củ sắn Việt Nam cũng mang đến cho tôi khá nhiều niềm vui.

          Và hình như tôi vẫn đang làm ngoại giao đấy chứ, ngoại giao kinh tế theo đúng nghĩa của nó./.

Leave a comment