NGOẠI GIAO TRONG TÔI LÀ…

những đau đáu về một công việc đã gắn bó suốt đời : LÃNH SỰ

Ước mơ một thời tuổi trẻ của tôi là làm thầy giáo dạy văn như trong một bài thơ “hô khẩu hiệu” tuổi 16 “Không thể được! Tôi sẽ là thầy giáo. Đem mặt trời đến với mỗi em thơ. Tôi sẽ ru như tiếng Mẹ ầu ơ! Với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tố Hữu”.

Nhưng rồi tôi lại làm việc tại Bộ Ngoại giao dù không tốt nghiệp Trường Ngoại giao ở “Pháo đài Láng” và cũng vì thế nên tôi luôn nghĩ mình là “tay ngang”.

Giới hạn công việc và hiểu biết của tôi hạn hẹp lắm. Với tôi, Bộ Ngoại giao là số 6 Chu Văn An và sau này là 40 Trần Phú, chứ ngôi nhà ngàn mái số 1 Tôn Thất Đàm thì mãi  “kính nhi viễn chi”! Những công việc cao siêu, vĩ mô, chiến lược tôi không dám lạm bàn mà suốt đời chỉ đau đáu một công việc phục vụ mà ở ta không dám gọi là “dịch vụ lãnh sự” trong khi “consular service” lại được coi là một trụ cột quan trọng của hoạt động ngoại giao ở nhiều nước.

Điều tôi luôn tâm niệm đã là người phục vụ thì bên cạnh chữ “chuyên” thì chữ “tâm” phải được đặt lên hàng đầu. 

Nói về chữ “chuyên”

Công tác lãnh sự (hay có thể gọi là “dịch vụ lãnh sự”) là việc vận dụng pháp luật của nước mình để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài thông qua những công việc cụ thể như cấp hộ chiếu, đăng ký hộ tịch, giải quyết công việc về quốc tịch hay bảo hộ lãnh sự v.v… Việc vận dụng này còn phải phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế cũng như không trái với pháp luật sở tại. Chính điều này đòi hỏi sự tinh thông nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật của cán bộ lãnh sự.

Gặp lại một trong những người Thủ trưởng cũ tại Vụ Lãnh sự, chú Nguyễn Công Khanh, Hà Nội, 2020

Yêu cầu, nhiệm vụ của lãnh sự ở nước ngoài thì “thiên hình vạn trạng”, mỗi địa bàn có đặc thù riêng, mỗi công việc lại có quy định và hướng dẫn riêng. Kinh nghiệm của địa bàn này không thể bê nguyên cho địa bàn khác. Cũng chính vì thế khó ai có thể cho rằng mình tinh thông mọi công việc lãnh sự.

Cũng là việc đăng ký hộ tịch nhưng với người Việt ở Đông Âu có những yêu cầu khác người ở Tây Âu, lại càng khác yêu cầu và thực tế ở Lào, Căm-pu-chia hay Thái Lan, Trung Quốc. Việc cấp hộ chiếu cũng tương tự.

Giải quyết vấn đề quốc tịch cho người Việt ở Đức khác so với ở Anh, Pháp hay Mỹ, Úc, trong khi cũng là hồ sơ thôi quốc tịch Việt Nam thì ở Đức hay Lào, Đài Loan lại có những yêu cầu và hồ sơ khác nhau.

Nói như vậy để thấy rằng làm công tác lãnh sự ở nước ngoài không thể nói chung chung, không thể tùy tiện xử lý. Ngay cả viện dẫn các Nghị quyết đã có về việc coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, cơ quan đại diện phải tạo mọi điều kiện để họ cư trú ổn định ở nước ngoài (trong đó  có việc cấp hộ chiếu và giấy tờ khác) cũng không được coi là cơ sở pháp lý để cấp hộ chiếu hay đăng ký hộ tịch, quốc tịch. Cần tách bạch giữa chủ trương, chính sách trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài với quy định pháp luật vốn là cơ sở của công tác lãnh sự.

Nói về chữ “tâm”

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”. 

Còn Bác Hồ nói “ Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Cả cuộc đời làm lãnh sự của mình, tôi luôn coi những điều trên là “chân lý”, là “kim chỉ nam” cho công việc của mình.

(Vẫn đau đáu về nghề và người (ảnh chụp với thế hệ tiếp nối của Cục tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngoại giao Việt Nam)

Bởi vì, muốn giải quyết công việc lãnh sự như nói ở trên mà không hiểu biết về quy định pháp luật đối với từng lĩnh vực cụ thể thì khác gì “múa gậy trong bị”. Khi ở nước ngoài không có người bên cạnh để hỏi han tư vấn (hoặc dấu dốt) thì chỉ có “tặc lưỡi làm liều” hay “nhắm mắt làm càn”. Hậu quả không phải chỉ mình bị kiểm điểm, nhắc nhở mà quan trọng là người dân được “thụ hưởng dịch vụ lãnh sự” đó sẽ phải khốn khổ vì quyết định sai của cán bộ lãnh sự. Trong trường hợp này lãnh sự dù có “đức” đến mấy thì đúng là “làm việc gì cũng khó”.

Nhưng dù sao tôi cũng cho rằng, cái “tài”, cái “chuyên” có thể thiếu hụt và bù đắp bằng việc chịu khó tìm hiểu trước khi đi nhiệm kỳ, đọc và tra cứu văn bản, tham khảo ý kiến những người biết hơn hoặc xin ý kiến chỉ đạo từ “Nhà” (40 Trần Phú). Với cái tâm trong sáng thì kiểu gì cũng tìm ra cách xử lý hài hòa, tốt đẹp nếu thật sự cầu thị.  

Nhưng nếu như cái “TÂM” cũng không có hoặc thiếu hụt thì chỉ còn là tai họa mà thôi và người dân sẽ là người “lĩnh đủ” !

Ai từng ở nước ngoài mới thấu hiểu nỗi khổ của những người sống không giấy tờ, không quy chế cư trú, về không được mà ở cũng không xong, phải sống chui sống lủi. Những người “xảy nhà ra thất nghiệp” mất giấy tờ, tiền bạc khi đang ở nước ngoài, gặp đúng lúc chiến tranh, thiên tai dịch bệnh muốn về nước mà không có chuyến bay hay bị ngược đãi, bị tù đày, bị bắt giam v.v. họ biết trông chờ vào ai nếu không phải là vào những cán bộ lãnh sự?

Cán bộ lãnh sự có tâm là khi người dân cần thì mình phải tìm mọi cách an ủi, động viên họ và tìm cách giải quyết những yêu cầu của họ một cách hợp tình, hợp lý. Hợp lý ở đây là vẫn phải tuân thủ hoặc không trái quy định pháp luật; nếu chưa có tiền lệ giải quyết thì phải báo cáo xin ý kiến. Tuyệt đối không vô cảm từ chối “vì chưa có quy định”, đẩy người dân vào vô vọng. Người lãnh sự lại càng không được lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi cá nhân, làm xấu đi hình ảnh của cơ quan đại diện cũng như của toàn ngành.

 Còn hợp tình là phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể ở nước sở tại; phải đặt mình vào vị trí người dân mà tìm hướng giải quyết.

Người Đức vốn duy lý và nguyên tắc (nhiều khi cứng nhắc) nhưng cũng có quy định rất hay là công chức phải cân nhắc trước khi  quyết định (“Ermessen”) và trong trường hợp còn phân vân, họ được quyết định “nach Gewissen”, tức là theo lương tâm của mình. 

Kỷ niệm đi suốt cuộc đời

Có một việc xảy ra từ lâu tại Berlin mà tôi không quên được.

Sau những biến động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu cuối thập kỷ 90 TK20 người Việt ở Đông Âu tràn sang Đức rất đông và tuyệt đại đa số không có hộ chiếu do đã bị mất hoặc xé bỏ dọc đường đi. Khi đã tìm mọi cách để được ở lại họ phải đến xin cấp hộ chiếu mới. Hồi đó Berlin là trung tâm của nạn làm giấy tờ giả, từ hộ chiếu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn đến giấy chứng nhận nhân thân có ảnh đều bị làm giả. Anh Thái Xuân Dũng, Bí thư thứ hai ở Văn phòng Berlin hồi đó (nay là Đại sứ Việt Nam tại Praha) còn phải sắm nguyên một cái kính lúp để dán mắt soi từng tập hồ sơ dầy cộm.  

Một lần anh Dũng báo cáo là có trường hợp không đủ giấy tờ nhân thân để cấp hộ chiếu, nhưng vẫn muốn xin lên gặp Trưởng Văn phòng. Gặp tôi anh trình bày hoàn cảnh của mình vốn là bộ đội xuất ngũ, được sang Liên Xô lao động và khi thời cuộc ở Châu Âu thay đổi anh đã cùng bạn bè chạy sang Đức. Nay anh đã được Đức cho cư trú và giới thiệu đến Sứ quán để xin cấp hộ chiếu. Nhưng tôi giải thích là hồ sơ chưa đủ để chúng tôi tin về nhân thân của anh; nếu anh có bất kỳ loại giấy tờ gì của Việt Nam có dán ảnh thì chúng tôi sẽ xem xét.

Lưỡng lự một lát rồi anh rút từ trong túi áo và đưa tôi tấm Thẻ Đảng và nói “lúc nào tôi cũng mang theo người”. Tôi hơi lặng người mất mấy giây. Đối chiếu với ảnh dán trong Thẻ thì đúng tên đúng người rồi, nhưng vào thời điểm đó Thẻ đảng viên chưa được coi là giấy tờ chứng minh nhân thân.

Tôi nói “tôi cảm ơn anh vì lúc nào cũng mang Thẻ đảng viên trong người dù anh có thể không còn sinh hoạt đảng nữa và ngay cả khi hoàn cảnh bắt buộc phải chạy sang đây. Tuy Thẻ đảng không phải là cơ sở để cấp hộ chiếu nhưng tôi tin anh, tin là cấp hộ chiếu đúng người”.

Nếu tôi sợ trách nhiệm và từ chối cấp hộ chiếu cho anh thì biết đâu khi đó tôi đã để mất một nhân tố tích cực trong cộng đồng người Việt Nam ở Đức, một “quần chúng” luôn mang Thẻ Đảng trong người./. 

(Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam, 28/8/2021 dịp Lockdown thứ hai)

Bài đăng trên “Thế giới & Việt Nam” của Bộ Ngoại giao ngày 28/8/2021

https://baoquocte.vn/ngoai-giao-trong-toi-la-nhung-dau-dau-ve-mot-cong-viec-da-gan-bo-suot-doi-lanh-su-156537.html

Leave a comment